Tuesday 23 November 2010

Bước vào nghề SEO cần lưu ý...

(Nghề SEO) - Cách đây vài năm chí ít cũng là 3, 4 năm thì các bài viết về SEO hầu như vắng bóng trên các site tiếng Việt. Vì sao như vậy? Thời đó yellow pages vẫn còn thống trị tư tưởng của nhiều doanh nghiệp nhưng bây giờ ngôi đã đổi chủ. Với hầu hết doanh nghiệp hoặc các cá nhân kinh doanh hay không kinh doanh gì cả cũng đều muốn site mình lên top khi search 1 keyword liên quan.

Để ý loanh quanh nhiều site, diễn đàn, blog đâu đâu cũng thấy tràn ngập các bài viết về thủ thuật SEO nhưng vẫn thiếu 1 cái rất quan trọng và dư thừa nhiều cái không cần. Đó là kinh nghiệm thực tế! Các thủ thuật đó theo tôi con số % không biết bao nhiêu nhưng phỏng đoán trên 95% đều là từ site nước ngoài và cái này là đương nhiên vì nhiều bài viết trên tôi cũng dịch từ nhiều nguồn nước ngoài.

Dẫu sao cũng rất trân trọng tinh thần chia sẻ chân tình đó!

Vậy SEO có thể mang lại cái gì cho website mà ai ai cũng lao vào học hỏi?

  1. Nâng cao vị trí của site trên các search engine để mọi người dể thấy
  2. Từ 1 suy ra thì traffic cũng tăng theo
  3. Trước khi click vào site thì khách đã biết được site bạn bán cái gì, kinh doanh cái gì
  4. Xây dựng thương hiệu, thấy càng nhiều thì người dùng sẽ hay nhớ đến mình lúc cần mà không phải search lại chính xác
  5. Cuối cùng thì tất nhiên sản phẩm bán ra nhiều hơn bình thường nếu so với vị trí thấp trên search engine

Nếu bạn mong chờ rằng bài viết này tiết lộ thêm điều bí mật gì về SEO thì sẽ làm bạn thật vọng rồi, bí quyết đơn giản là bạn tận tay làm các dự án về SEO và sau mỗi dự án đút rút cho chính bản thân những kinh nghiệm và đó là bí quyết. Trên mạng không thiếu các khóa học về SEO uy tín của các site nước ngoài có giá trị tầm vài ngàn usd cho mỗi khóa và nếu bạn tin là có bí quyết tuyệt mật dạng như bí mật quân sự thì hãy học các khóa đó.

Tôi đồng ý với ý kiến phần Bí quyết trong bài “Thế nào gọi là PRO SEO ?” trong link đưa trên đầu bài viết.

SEO nên là Coder?

Nên, nên lắm chứ. Nếu được vậy thì SEOer này lợi thế hơn rất nhiều so với nhưng newbie mới tập tễnh vào nghề nhưng không rành về code.

Vì sao lợi:

Nói đơn giản việc tối ưu URL cho site, nếu là các mã nguồn có sẵn như WordPress, Joomla, Drupal,… thì quá đơn giản chỉ việc tick vào các ô chọn hoặc có kiến thức chút về htaccess là xong nhưng thật không đơn giản nếu bắt đầu với 1 site dotnet url loằng ngoằng. Lúc này bạn phải làm sao? Nếu không làm được việc này thì coi như bạn đã mất 1 lợi thế cực kỳ lớn trong SEO.

OK chấp nhận việc trên với bạn coi như không thành vấn đề, vậy công việc tối ưu mã nguồn HTML với W3C không cần kiến thức về HTML/CSS?

Có thể dẫn chứng rất nhiều việc khác trong SEO mà nếu bắt đầu là coder thì ưu thế rất nhiều. Vậy nếu không là coder thì có làm SEO được không? Tất nhiên là được nhưng bạn sẽ phải học hỏi nhiều thứ hơn và mệt hơn.

Nên thuần thục các tool cơ bản

Gì cùng vậy cái cơ bản luôn phải nắm vững thật vững, cơ bản ở đây là những tool nào? Tất cả những tool liên quan đến Google, 1 trong số đó mà hầu như ít khi thấy ai share đó là Google Webmaster Tool. Khoan hãy đi đâu xa xôi, tìm các tool pro mà hãy ngồi lại và khi nào bản thân cảm thấy mình đã control được Google Webmaster Tool.

Nếu muốn tiếp cận các kiến thức về SEO cũng như cập nhật thuật toán của Google không đầu tốt bằng chính các blog của Google:

  1. http://googlewebmastercentral.blogspot.com/
  2. http://www.google.com/support/webmasters/
  3. http://googleblog.blogspot.com/

Bắt chước không xấu

Biết học tập cái hay của người khác và áp dụng cho mình là không bao giờ xấu. Kinh nghiệm bản thân mỗi khi dự án SEO bắt đầu đó là tìm hiểu cùng keyword đó tại sao có những site lại nằm top và phân tích dữ liệu thu được.

Đã hết ly cafe nên tạm dừng tại đây vậy!

Toàn Đỗ (aka Mèo Tom), CTV của Làm SEO, hiện là biên tập viên Tạp chí SEO.

(Vui lòng ghi nguồn LamSEO.com nếu đăng lại.)

Thursday 18 November 2010

Thế nào gọi là PRO SEO (tiep theo)

Bài viết Thế nào gọi là PRO SEO? của Khánh La được thảo luận khá sôi nổi ở DDTH Thế giới SEO. Tôi cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, sau khi nhận được một số phản hồi về tính chia sẻ cộng đồng của các cao thủ SEO ở Việt Nam.

Pro hay chuyên nghiệp là một khái niệm khá rộng, vì quá rộng nên mỗi người nói một khía cạnh khác nhau giống như thầy bói xem voi.

Tôi cũng xin mạn phép bàn về một vài cái đuôi, cái chân của con voi này.

1. Trình độ

Mộ SEOer pro phải là người có một trình độ nhất định, có thể anh ta không nhất thiết phải có một thanh công cụ SEO thể nhưng cần phải có những hiểu biết sâu sắc và rộng về lĩnh vực của mình. Để trở thành SEOer pro tất cả chúng ta đều phải không ngừng học hỏi, đó là lý do tại sao TGS ra đời. TGS ra đời là để nhiều SEOer trở thành SEOer pro hơn.

2. Bí quyết

Chẳng có một tổ chức, cá nhân nào thành công mà không có bí quyết. Mọi người cần tôn trọng những bí mật này vì nếu bí quyết mà tất cả đều biết thì không còn là bí quyết nữa. Bí quyết không phải là thứ có thể chia sẻ vì nó quyết định sự tồn vong của tổ chức, sự nghiệp cá nhân. Trong những bài viết của các bạn trong thread này có nhiều người nhầm lẫn sự chia sẻ và việc phải biết được bí quyết. Chia sẻ là sự tự nguyện giúp đỡ người người khác, nhưng khi ai đó đòi hỏi sự tự giác này thì đó là sự lạm dụng giống như “Ăn mày còn đòi xôi gấc”.

3. Chia sẻ

Trong thời đại Internet chẳng có một bí quyết nào tồn tại được lâu, những vấn đề hôm nay có thể là bí quyết của bạn ngày mai tất cả đã biết rồi. Vấn đề giữ bí quyết chỉ là giữ trong bao lâu, như luật bản quyền của nước ngoài họ cũng không bao giờ giữ vĩnh viễn một phát minh nào đó họ chỉ giữ trong một thời hạn đủ để bảo vệ cho người phát minh có thể thu hồi vốn đầu tư và có lãi cho công sức tìm tòi sáng tạo của mình. Nếu bạn có bí quyết bạn hãy dùng nó để kiếm tiền, nhưng khi nào cảm thấy đã đủ (đây là cảm giác cá nhân của từng người) hãy chia sẻ với người khác vì không sớm thì muộn họ cũng biết, chia sẻ sớm hơn sẽ giúp ích cho mọi người và cũng giúp ích cho bạn

4. Cạnh tranh

Về nguyên tắc thì kiểu gì bạn cũng sẽ có đối thủ cạnh tranh. Cảm giác phải cạnh tranh rất khó chịu nhưng nó là cách để tất cả chúng ta cùng tiến lên, có cạnh tranh mới có phát triển. Qua cạnh tranh bạn sẽ học được nhiều điều từ đối thủ, phát triển hết khả năng của mình và sáng tạo ra nhiều chiêu mới để cạnh tranh. Đối xử với đối thủ cạnh tranh PRO là cách như các cầu thủ bóng đá bắt tay nhau mỗi khi ra sân nhưng đá hết mình trong trận và sau trận đấu dù thắng hay thua lại bắt tay nhau thân thiện.

5. Hợp tác

Hợp tác không phải là khẩu hiệu xã giao trong các bữa nhậu mà là cách để chúng ta bắt được con cá to hơn. Người Việt Nam chúng ta quen sống trong lũy tre làng nên tư duy chỉ là kiếm vài con tôm con tép bé nhỏ trong cái ao làng, với những con cá nhỏ đó thì chả cần phải hợp tác cũng bắt được. Ao làng thì bé nhỏ mà số người bắt cá lại đông, không sớm thì muộn kiểu gì cũng dẫn tới cạnh tranh, hết phá giá rồi lại đến chửi bới nhau. Kết quả là miếng cá của chúng ta càng ngày càng nhỏ đi.

Hãy đứng trên nóc tòa nhà Kengnam để nhìn xa hơn cái lũy tre làng của chúng ta một chút thì chúng ta sẽ thấy ngư dân Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ họ chung sức đóng những con tàu đánh cá to lớn để ra biển khơi đánh được những con cá ngừ đại dương to lớn với giá cao gấp 100 – 1000 giá của những con cá bé nhỏ chúng ta đang tranh nhau trong ao. Dù họ có chia nhau cho 10 người thì thu nhập của chọ vẫn gấp cả chục lần so với chúng ta, họ đem phần cá về ngồi uống bia và ngồi xem chúng ta đang tranh nhau vài con cá Rô phi nhỏ mà cười vào mũi chúng ta là những thằng ngu, chỉ biết tranh nhau những con cá nhỏ không biết đường đoàn kết lại mà kiếm con cá to.

Vậy đấy, hợp tác không phải có lợi cho một bên nào cả mà nó có lợi cho cả 2 bên (win – win). Chỉ có hợp tác chúng ta mới kiếm được những khoản tiền to, chỉ hợp tác chúng ta mới cải thiện được thu nhập và cũng chỉ hợp tác lại chúng ta mới ngẩng mặt lên được.

Chu Đình Châu, CTV của Làm SEO, chuyên gia SEO của ESNC.

LamSEO.com

Monday 1 November 2010

Thế nào gọi là PRO SEO?

Không có con số thống kế chính thức nhưng qua thời gian sinh hoạt tại các diễn đàn công nghệ, online marketing…, mình nhận thấy gần đây số người làm SEO tăng lên khá nhanh. Tuy nhiên không phải ai cũng thành công với lĩnh vực mang đầy tính cạnh tranh này. Một sô câu hỏi đặt ra như làm sao để thành công trong SEO? Làm sao để kiếm được nhiều khách hàng thông qua các phương pháp SEO? Làm sao để website mình luôn đứng trên đối thủ?

Khái niệm PRO SEO hay không, tức SEO chuyên nghiệp hay không cũng chỉ mang tính chất tương đối. Tùy vào những suy nghĩ vào những thời điểm khác nhau mà từng người sẽ có những nhận định riêng về vấn đề này. Tuy nhiên với kinh nghiệm nhiều năm làm SEO và cũng gặp rất nhiều người trong cùng lĩnh vực, tác giả bài viết xin mạo mụi trình bày một số quan điểm riêng: “Làm sao để trở thành PRO SEO?”

Đầu tiên, khi nhắc đến PRO SEO mọi người sẽ ngầm tưởng rằng họ có rất nhiều kiến thức trong SEO. Hầu như khi đề cập bất cứ vấn đề gì về SEO, họ đều biết và trả lời trôi chảy. Tuy nhiên, biết nhiều kiến thức trong SEO chưa thể gọi là PRO SEO. Tại sao lại như vậy? Vì PRO SEO được đánh giá trên những kết quả mà họ đạt được chứ không phải những gì mà họ nói được. Nói thì dễ, mà để làm được là hai giai đoạn hoàn toàn khác nhau.

Điều thứ hai, người làm SEO khi nâng hạng thành công những từ khóa khó, từ khóa cạnh tranh ví dụ như keyword: weight loss, seo, travel, thiết kế website … có thể gọi là PRO SEO? Về mặt nào đó có thể nói họ là những người SEO giỏi ứng với từ khóa đó, nhưng không đồng nghĩa họ là PRO SEO. Vì một newbie bình thường, khi được cung cấp đầy đủ điều kiện để phát triển từ khóa vẫn có thể ung dung lên top mà không cần phải bỏ ra nhiều công sức.

Điều thứ ba, người làm SEO có thể kéo được một lượng khách truy cập lớn vào website nhờ các phương pháp SEO có thể gọi là PRO SEO? vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào cái cách mà bạn suy nghĩ ngay khi bắt đầu thực hiện SEO. Nếu bạn nghĩ rằng SEO để nhiều người biết tới, SEO để quảng bá website thì bạn mới chỉ đạt được 50% công lực của người làm SEO chân chính.

Vậy, như thế nào mới gọi là PRO SEO?

Bây giờ chúng ta mới thực sự đi vào vấn đề chính. Yếu tố đầu tiên để trở thành một PRO SEO là không tập trung đánh một hai từ khóa, mà phải đánh toàn diện, đánh tổng lực vào những từ khóa có ít người tìm kiếm nhưng khả năng mang lại khách hàng tiềm năng cao.

Đối với người PRO SEO, họ sẽ quan tâm đến tỷ lệ chuyển đổi (conversion rate) hơn là số traffic mang lại. Nếu SEO từ khóa tốt nhưng số lượng khách hàng liên hệ không nhiều để bù đắp vào phần công sức họ đã bỏ ra thì SEO hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Điều này ám chỉ rằng, PRO SEO là những người có tầm nhìn chiến lược, họ biết làm cách nào để thu hút mọi người vào website và khéo léo lèo lái khách truy cập trở thành những khách hàng thực sự.

Đồng thời, người PRO SEO sẽ không làm chủ một cái giếng, họ muốn làm chủ bầu trời. Do đó, nếu được lựa chọn hình ảnh của một con ếch và một con chim, các PRO SEO sẽ luôn muốn cất đôi cánh của loài chim để tung bay trên bầu trời rộng lớn. Đó là lý do giải thích tại sao nhiều người làm SEO một thời gian thường có xu hướng nâng cấp level lên một tầm cao hơn đó là online marketing nhưng vẫn mang theo trong mình những đặc trưng SEO cơ bản.

Cuối cùng, thông qua bài viết này tác giả chỉ muốn gửi gắm đến tất cả các bạn làm SEO một thông điệp: “SEO chỉ là một ngôi sao trên bầu trời rộng lớn, nhiệm vụ của chúng ta là làm cho ngôi sao đó ngày càng tỏa sáng”

Chúc các bạn sớm trở thành PRO SEO!

CTV Khánh La hiện là chuyên viên SEO của Giaiphaplienket.com

(Vui lòng ghi rõ nguồn www.lamseo.com nếu đăng lại bài viết)

Tuesday 28 September 2010

Chọn nghề SEO

Công việc tối ưu hoá website cho các công cụ tìm kiếm, hay SEO, viết tắt tiếng Anh của thuật ngữ Search Engine Optimization, là công việc đã phổ biến khá lâu trên thế giới. Ở Việt Nam do thị trường Internet mới phát triển, nên Việt Nam chưa thực sự có ngành đào tạo về vấn đề này.

Người làm SEO đòi hỏi không những chỉ có kiến thức về kỹ thuật, về mỹ thuật, mà cần cả kỹ năng xã hội, tiếp thị. Điều quan trọng cho một chuyên gia SEO là đam mê công việc, đam mê Internet và hiểu tường tận nhu cầu của người sử dụng Internet.

Một vài lý do tốt để chọn nghề SEO.

1. Nhu cầu ngày càng cao đối với dịch vụ SEO.

Thuật ngữ SEO đã xuất hiện khá lâu nhưng nó không phải là một nghề, các Webmaster chỉ thực hiện một số kỹ thuật SEO cơ bản đối với những trang Web mà họ quản lý và tất cả cũng chỉ có thế. Nhưng khi các sites bắt đầu lớn mạnh và kiếm ra tiền thì tốt nhất là thuê một chuyên gia SEO để họ quản lý và phát triển tiếp. Vì vậy nhu cầu tìm kiếm những chuyên gia SEO giỏi ngày càng tăng mạnh.

2. Đã có khá nhiều “bậc tiền bối” thành công với nghề SEO.

Có nhiều bằng chứng chứng tỏ rằng SEO là một nghề có khả năng phát triển. Có rất nhiều doanh nhân đã thành công với nghề SEO, sau đây chỉ là những cái tên nổi bật bao gồm Rob đến từ Blackwood Productions, Jill Wahlen đến từ High Rankings, Rand Fishkin đến từ SEO Moz và nhiều người khác nữa.

3. Các SEOer thường có thu nhập cao.

SEO là một nghề mà bạn có thể “hành nghề” một mình hay cho một công ty. Có rất nhiều trang về công việc như Dice và Craigslist đăng quảng cáo về nghề SEO. Có một điều đáng chú ý là những khoản lương cho nhân viên SEO cũng tương đương hoặc thậm chí còn cao hơn lương cho nhà phát triển, nhân viên thiết kế hoặc nhân viên quảng cáo Web. Mức lương $80k một năm không phải là không thể đối với công việc SEO.
Là người làm SEO độc lập bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Hầu hết các trang web tự do đều dành chi phí cho dịch vụ SEO và 50 đô là một giờ là mức thù lao khá phổ biến. Nếu bạn vẫn chưa tự tin rằng bạn có thể tự mình làm việc, bạn có thể bắt đầu công việc SEO, học hỏi chút ít và bắt đầu khởi nghiệp với công ty của riêng mình.

4. Chỉ dịch vụ thiết kế Web thôi thì không đủ

Hiện nay có khá nhiều công ty đưa ra các dịch vụ như thiết kế Web, phát triển Web và SEO.(Thực ra thì SEO cũng là một khía cạnh của phát triển Web). Hầu hết họ đều đảm nhận thêm dịch vụ SEO. Tất nhiên nếu được như vậy thì rất tốt, nhưng thực tế thì không nhiều công ty có khả năng đảm nhận được cả hai dịch vụ này. Vì vậy, các công ty về SEO mọc lên ngày càng nhiều chuyên đảm nhận chỉ dịch vụ SEO. Họ tập trung toàn bộ khả năng và nỗ lực vào thế mạnh của họ là SEO, và chắc chắn hiệu quả đem lại sẽ tốt hơn so với các công ty thiết kế Web.

5. Bước cần thiết đối với các nhà tiếp thị và quảng cáo

Công nghệ Web đã làm thay đổi cái cách mà các công ty làm kinh doanh, vì vậy những nhà marketing hay quảng cáo tiến bộ ngày nay ít nhất cũng có một số kiến thức nhất định về SEO nếu họ muốn thành công.

6. Bạn học hỏi được nhiều thứ

Đối với một số nhà thiết kế, lập trình Web hay cả những người phát triển và quản trị Web thì SEO là một cái gì đó không mang tính kỹ thuật, và họ nghĩ rằng khi chuyển sang nghề SEO họ sẽ dần đánh mất những kiến thức về lập trình hay thiết kế. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, SEO đem lại cho họ nhiều thứ. Mỗi người lập trình nên trang bị cho mình những kiến thức về SEO và ngược lại những người làm SEO chắc chắn sẽ phải có những kiến thức về lập trình, thiết kế, quản trị. Vì vậy, nếu bạn là nhà thiêt kế, lập trình hay quản trị Web, hãy trang bị cho bản thân càng nhiều kiến thức về SEO càng tốt.

7. SEO cũng đã được xem là một nghề

Nếu bạn còn hoài nghi về SEO là một nghề hấp dẫn, bạn hãy xem các khoá học và cuộc thi dành cho những người làm SEO. Tuy ở Việt Nam, nghề SEO chưa thực sự phát triển và cũng chưa có một trường lớp nào đào tạo về SEO, nhưng trên thế giới thì nó đã phát triển khá lâu. Nếu bạn vào Google và tìm với từ khoá “SEO course” hay “SEO contest” sẽ thấy không ít các khoá học hay cuộc thi về SEO.

Một vài trở ngại đối với nghề SEO

Tuy vây, nghề SEO cũng gặp không ít khó khăn:

1. Phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm

Thực tế thì bất cứ nghành nghề nào cũng có những yếu tố khách quan chi phối, còn đối với SEO thì nó thực sự bị các Search Engine chi phối. Các công cụ tìm kiếm thỉnh thoảng cũng thay đổi thuật toán, và họ cũng không công bố những thay đổi này, do vậy các SEOer gặp khá nhiều khó khăn để tìm hiểu và học hỏi lại. Hơn nữa, nếu sự thay đổi đó làm vị trí của site khách hàng rơi thảm hại, thì những người làm SEO là những người chịu trách nhiệm đầu tiên. Dù sao đi nữa thì làm nghề gì cũng phải đôi lần gặp rủi ro.

2. Không có một qui luật cố định

Có thể một lúc nào đó điều này sẽ thay đổi, nhưng bây giờ thì nguyên tắc là chẳng có nguyên tắc nào cả - hoặc ít nhất là không có một nguyên tắc dưới dạng giấy tờ. Bạn có thể làm việc hết sức vất vả, bất cứ việc gì cũng theo nguyên tắc nhưng cuối cùng thành công vẫn không đến với bạn. Hiện tại bạn cũng không thể trông chờ vào việc đưa một công cụ tìm kiếm nào ra toà vì nó đã gây tổn thất cho công ty bạn do các công cụ tìm kiếm không được bắt buộc phải đưa những trang web có nhiều nổ lực tổi ưu hoá lên hàng đầu trong danh sách tìm kiếm.

3. Thay đổi nhanh chóng về thứ hạng

Khi bạn đã đưa được một trang lên top với một vài từ khoá đặc biệt nào đấy, không có nghĩa là nó cứ “nằm” mãi ở đấy. Lúc này hay lúc khác nó có thể tuột khỏi vị trí top của các SE. Và những lúc đó khách hàng sẽ hét vào mặt bạn “tại sao tuần này vị trí của tôi lại tụt xuống thế?” mặc dù bạn biết bạn không phải người gây ra lỗi này. Bạn phải làm gì trong những tình huống này?

4. Nghề SEO cần phải kiên nhẫn

Cả những SEO chuyên nghiệp và khách hàng của họ đều phải hiểu rằng để SEO thành công thì cần phải có thời gian và nỗ lực. Có thể mất hàng tháng, thậm chí là hàng năm để đưa được một trang Web có thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, hay xây dựng được hàng nghìn liên kết cho trang đó. Hơn nữa, nếu ngừng công việc tối ưu hoá một thời gian, thứ hạng của website sẽ đi xuống. Vì vậy bạn cần phải có một kế hoạch duy trì SEO lâu dài. Xem “Tại sao bạn cần kế hoạch duy trì SEO” để có thêm thông tin.

5. SEO mũ đen

SEO mũ đen là một trong những mối quan ngại lớn nhất mà những SEOer chân chính gặp phải. Cạnh tranh gian lận hay không công bằng sẽ không được chấp nhận ở bất cứ lĩnh vực nghành nghề nào cả, và SEO cũng không phải là ngoại lệ. Hiện nay các thủ thuật SEO mũ đen rất nhiều, và số lượng và tần suất sử dụng nó cũng khá cao đã gây nhiều bất lợi cho những người làm SEO chân chính. Mặc dù các công cụ tìm kiếm đã có những biện pháp đê ngăn chặn những thủ thuật SEO mũ đen, nhưng dẫu sao nó vẫn còn rất đáng ngại.

Hy vọng qua những những phân tích về thuận lợi và khó khăn đối với người làm SEO, các bạn sẽ có được những quyết định đúng đắn liệu có nên chọn SEO cho nghề nghiệp trong tương lại hay không!

T.T - VietnamBIZ

Thursday 26 August 2010

SEO, nghề mới hấp dẫn các bạn trẻ

Đã gần 3 năm, khi đấy SEO là 1 khái niệm hoàn toàn xa lạ với tôi. Đến tận bây giờ, người ta biết nhiều đến forum, blog, mạng xã hội nhưng chỉ số ít “dân IT” mới biết thế nào là web 2.0, SEO, Emarketing.

Và hôm qua tôi tình cờ đọc bài này. Vui. Tôi tin chắc trong tương lai gần sẽ có nhiều bài viết về lĩnh vực SEO.

Bài viết được ký tên “Minh Hùng” như sau:

Cùng với xu hướng bùng nổ quảng cáo trên mạng Internet, nhu cầu tuyển người nắm vững các kỹ năng truyền thông trên mạng Internet lên cao hơn bao giờ hết, đem lại cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ năng động.

Mạng Internet ngày càng phát triển trở thành một môi trường truyền thông mới. Tính tương tác, tốc độ cập nhật thông tin trên mạng khiến cho người tiêu dùng ngày càng ưu tiên tra cứu thông tin trên mạng Internet nhiều hơn. Ảnh hưởng của Internet ngày càng lớn , có phần lấn át các phương tiện truyền thông truyền thống. Nắm bắt cơ hôị đó, các công ty kinh doanh cũng nhanh chóng tìm cách khai thác Internet quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình.

Quảng cáo trên mạng taị Việt Nam đã bắt đầu từ rất sớm đối với các ngành kinh doanh dịch vụ du lịch phục vụ khách nước ngoài. “Ngành du lịch đã thiết lập web site từ rất sớm, vào năm 1996, một năm trước khi có Internet taị Việt Nam”, ông Trần Tuấn, Trung tâm Thong tin Tổng cục Du lịch kể lại. Hồi đó, chỉ những người có điều kiện đi công tác nước ngoài và thành thạo tiếng Anh mới có dịp sử dụng Internet. Tông cục Du lịch được giao nhiệm vụ quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới, đã thấy ngay tiềm năng to lớn của trang wweb trong quảng bá tiếp thị hình ảnh Việt Nam. Để lập được trang web trong điều kiện Việt Nam còn chưa có dịch vụ Internet, Tổng Cục đã hợp tác với đối tác Global One của Mỹ. Máy chủ trang web đặt taị nước ngoài. “Ngày nay, hầu như doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nào cũng có trang web”, ông Tuấn cho biết

Bí quyết xác định sự thành bại của công ty du lịch lữ hành là vị trí sắp xếp của web site của công ty trên máy tìm kiếm Google. Nếu trang web của bạn đạt thứ hạng cao với các từ khóa phổ biên như “hotel Vietnam” hay “Vietnam open tour”, công ty bạn sẽ có uy tín cao và được khách hàng tìm đến nhiều nhất. Giám đốc kinh doanh của công ty du lịch lữ hành Hand Span, trụ sở tại khu phố cổ Hàng Dầu tiết lộ. Hiện tại, trên 50% khách hàng của Han Span tìm đến vói công ty qua Internet và qua tìm kiếm trên Google. Hand Span cũng dành khá nhiều danh sách tiếp thị để tối ưu hóa web site nhằm đạt thứ hạng cao trên Google với các từ khóa liên quan đến du lịch

Công việc tôi ưu web site cho các công cụ tìm kiếm, hay SEO, viết tắt tiếng Anh của thuật ngữ Search Engine Optimization, là một công việc mới ở Việt Nam. Do thị trường Internet tại Việt Nam mới phát triển, nên Việt Nam chưa thực sự có ngành đào tạo về vấn đề này. Người làm SEO đòi hỏi không những chỉ có kiến thức về kỹ thuật, về mỹ thuật, mà cần cả kỹ năng xã hội, tiếp thị. Điều quan trọng cho một chuyên gia SEO là đam mê công việc, đam mê Internet và hiểu tường tận nhu cầu của người sử dụng Internet. Anh Huy, người lập trang web iphoneviet.com chia sẻ, ban đầu, anh lập trang web chuyên về thông tin điện thoại iPhone tại Việt Nam cho những người mê iPhone giao lưu với nhau. Nhóm của anh có 3 người thay phiên nhau cập nhật các thông tin liên quan đến iPhone. Ban đầu, chúng tôi chưa quan tâm đến SEO của iphoneviet.com, anh Huy kể. Thấy chúng tôi nhiệt tình viết bài, nhiều bạn bè đạt câu hỏi tại sao không tối ưu SEO để trang web có nhiều fan của iPhone biết đến hơn, từ đó, chúng tôi cài thêm các phần mềm SEO để tối ưu các thông tin gửi đến Google. Hiện nay, người đọc iphoneviet.com có thể tự hào, nếu bạn gõ từ khoá iPhone trên Google Việt nam, iphoneviet.com sẽ hiện lên trang nhất.

SEO không chỉ là cài đặt phần mềm là xong. Bà Hà, Giám đốc khách hàng của công ty chứng khoán Artex chia sẻ. Để trang web của công ty đạt thứ hạng cao trên Google với các từ khóa liên quan đến tài chính, ngân hàng, nhóm làm SEO của công ty đã mời các chuyên gia tài chính làm tư vấn. Cập nhật thường xuyên trang web cũng là một bí quyết giúp đạt thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm Google, bà Hà cho biết. Khó khăn trong tìm các chuyên gia về SEO cũng là một vấn đề trong phát triển trang web của công ty chứng khoán. Bà Hà cho biết, để tuyển được người làm SEO cho công ty, bà đã nhờ những người bạn làm về CNTT giới thiệu các blog đang có thứ hạng cao, thường là các blog về công nghệ, từ đó liên hệ và mời về làm. Đó là các bạn trẻ đam mê công nghệ và rất thông minh, SEO là nghề có triển vọng của các bạn trẻ, bà Hà kết luận.

Theo Làm SEO

Monday 22 June 2009

Nghề SEO - "Bầu sô" của website


SEO(HieuHoc): Giả sử bạn có 1 trong 100 triệu trang web trên thế giới. Vậy bạn làm thế nào để trang web của mình có thể dễ dàng được tìm thấy? Yếu tố quan trọng là thông qua các công cụ tìm kiếm, hiện chiếm đến 60% các đường dẫn đến các trang thông tin quan trọng. Và bạn có thể tìm đến chuyên viên - chuyên gia SEO.

Những lý do để bạn chọn nghề SEO

Mạng Internet ngày càng phát triển trở thành một môi trường truyền thông mới. Ảnh hưởng của Internet ngày càng lớn, có phần lấn át các phương tiện truyền thông truyền thống. Nắm bắt cơ hội đó, các công ty kinh doanh cũng nhanh chóng tìm cách khai thác Internet để quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình. Nghề SEO ra đời khi mà các website bắt đầu lớn mạnh và kiếm ra tiền cho doanh nghiệp.

Cùng với xu hướng bùng nổ quảng cáo trên mạng Internet, nhu cầu tuyển người nắm vững các kỹ năng truyền thông trên mạng Internet lên cao hơn bao giờ hết. Hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều có trang web riêng cho mình. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh trên Internet, cuộc chiến giành vị trí cao trên bảng xếp hạng của các công cụ tìm kiếm là điều vô cùng quan trọng. Các công ty về du lịch, chứng khoán, tài chính luôn có nhu cầu tìm kiếm những chuyên gia SEO giỏi ngày càng tăng mạnh nhằm nâng cao tỉ lệ xuất hiện của trang web.

SEO là một nghề mà bạn có thể "hành nghề" một mình hay cho một công ty. Có một điều đáng chú ý là những khoản lương cho nhân viên SEO cũng tương đương hoặc thậm chí còn cao hơn lương cho nhà phát triển, nhân viên thiết kế hoặc nhân viên quảng cáo Web. Là người làm SEO độc lập bạn có thể kiếm được nhiều tiền hơn nữa. Hầu hết các trang web tự do đều dành chi phí cho dịch vụ SEO theo giờ với mức giá rất cao.

SEO là nghề như thế nào mà có những tiềm năng lớn đến thế?

SEO là viết tắt tiếng Anh của thuật ngữ Search Engine Optimization (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), là một quá trình làm nội dung trang web dễ dàng được các công cụ tìm kiếm tìm thấy, và hiển thị.

Công việc tối ưu hoá website có thể hiểu cách khác là một tập hợp các phương pháp nhằm nâng cao thứ hạng của một website trong các trang kết quả của các công cụ tìm kiếm và có thể được coi là một tiểu lĩnh vực của tiếp thị qua công cụ tìm kiếm.

Công việc của một chuyên viên SEO

Hầu hết người dùng Internet sử dụng các công cụ tìm kiếm hàng ngày và có thể chỉ nhìn vào trang đầu tiên của kết quả tìm kiếm. Vì thế nhiệm vụ của những người làm SEO (SEOer) là làm sao để trang web của công ty, doanh nghiệp xuất hiện nhiều nhất trong quá trình tìm kiếm của người sử dụng Internet. Muốn như vậy, họ phải sử dụng các phần mềm hỗ trợ SEO và phải thường xuyên cập nhật trang web để có được thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo, MSN. Bên cạnh đó, việc lập trình, thiết kế website bằng những đoạn code thân thiện với các cỗ máy tìm kiếm đó cũng là cách để nâng cao thứ hạng của website của bạn.

Mục đích của SEO là nhằm nâng cao lượng truy cập từ các cỗ máy tìm kiếm đến website của bạn. Nói cách khác, tức là làm cho website có nhiều người tìm thấy và “click” vào nhất khi họ dùng các công cụ tìm kiếm. Muốn như vậy, các chuyên viên SEO phải sử dụng rất nhiều từ khóa (keywords) hợp lí, phải “đánh” vào thị hiếu và nhu cầu của người sử dụng Internet thông qua các từ khóa này và phần miêu tả của website. Bởi vậy, mỗi một website trong một lĩnh vực thì lại có những keyword riêng của mình, ví như website buôn bán máy tính thì các từ khóa sẽ là “máy tính nguyên bộ”, “máy tính xách tay”, “laptop”, “ram”, “HDD”, “ổ cứng”, “chuột”, “bàn phím”…; website về du lịch thì sử dụng các từ khóa “du lịch trọn gói”, “du lịch nghỉ dưỡng”, “tour”, “tham quan"; còn nếu website đó có nội dung chủ yếu là về phim ảnh thì các từ khóa như “phim”, “phim bộ”, “phim kiếm hiệp”, “phim tâm lí xã hội”, “hoạt hình”… lại là những từ khóa rất đáng để bạn quan tâm. Những từ khóa này được nhắc đi nhắc lại nhiều lầm trong tên website, tiêu đề, phần mở đầu và nội dung bài viết. Các từ khóa này còn thay đổi theo từng thời điểm, khi đó dân trong nghề gọi là “hot keywords”. Qua kỳ thi đại học vừa rồi cho thấy các từ khóa được người sử dụng internet tìm kiếm nhiều nhất là “địa điểm thi”, “điểm sàn”, “điểm chuẩn”, “nguyện vọng 1”, “nguyện vọng 2”…

Chuyên viên SEO phải sử dụng rất nhiều từ khóa (keywords) hợp lí, phải “đánh” vào thị hiếu và nhu cầu của người sử dụng Internet thông qua các từ khóa này


Những tố chất để có thể bắt đầu bước vào con đường SEOer


Mỗi người lập trình nên trang bị cho mình những kiến thức về SEO và ngược lại những người làm SEO chắc chắn sẽ phải có những kiến thức về lập trình, thiết kế, quản trị.

Người làm SEO đòi hỏi không những chỉ có kiến thức về kỹ thuật, về mỹ thuật, mà cần cả kỹ năng xã hội, tiếp thị. Việc tối ưu hóa phụ thuộc vào việc kết hợp giữa công tác biên tập và kỹ thuật; các nội dung, đặc biệt là tiêu đề cần phải mô tả được nội dung, sử dụng những từ khóa mà khách hàng thường dùng, cần phải thu hút người đọc bằng nội dung hấp dẫn, gây tò mò và có ích cho người đọc. Vì vậy những kiến thức tổng quát về xã hội, khoa học và đời sống giúp ích cho cho các SEOer rất nhiều.

Điều quan trọng cho một chuyên gia SEO là đam mê công việc, đam mê Internet và hiểu tường tận nhu cầu của người sử dụng Internet. Hằng ngày các SEOer phải tiếp xúc thường xuyến với internet, với các công cụ tìm kiếm, với các chương trình hỗ trợ công việc, nếu không có sự am hiểu sâu về internet thì rất khó để làm tốt công việc. Hơn nữa việc nắm bắt được thị hiếu của người sử dụng internet sẽ giúp website tăng hạng rất nhanh trên các công cụ tìm kiếm.

Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ tốt cũng là một công cụ vô cùng đắc lực giúp bạn trên con đường làm SEO vì nghề SEO trên thế giới rất phổ biến. Chắc bạn không quên được những "gã khổng lồ" về công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo hay Microsoft chứ?

Cần phải kiên nhẫn. Cả những SEO chuyên nghiệp và khách hàng của họ đều phải hiểu rằng để SEO thành công thì cần phải có thời gian và nỗ lực. Có thể mất hàng tháng, thậm chí là hàng năm để đưa được một trang Web có thứ hạng cao trên các công cụ tìm kiếm, hay xây dựng được hàng nghìn liên kết cho trang đó.

Học SEO ở đâu?

SEO là công việc đã phổ biến khá lâu trên thế giới nhưng ở Việt Nam do thị trường Internet mới phát triển, nên Việt Nam chưa thực sự có ngành đào tạo về nghề này. Nhưng không vì thế mà các bạn bỏ qua một nghề hết sức hấp dẫn này chứ? Nếu bạn vào Google và tìm với từ khoá “SEO course” hay “SEO contest” sẽ thấy không ít các khoá học hay cuộc thi về SEO. Bạn có thể tìm tòi, học hỏi những kiến thức, kinh nghiệm từ internet - thư viện sách khổng lồ. Các website tiếng Việt cung cấp các kiến thức về SEO để bạn tham khảo: www.lamseo.com, www.vietseo.net...

Theo HieuHoc.com